Nghiệm thu Đề tài NCKH cấp Trường: Nghiên cứu nồng độ Cystatin C huyết thanh ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường tip 2 tại BV Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2022-2024

Lượt xem: 16

Ngày 5/6/2025, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường: “Nghiên cứu nồng độ Cystatin C huyết thanh ở bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường típ 2 tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2022–2024”, do BS.CKII. Nguyễn Duy Khương (Khoa Y) làm chủ nhiệm.
Tham gia thực hiện đề tài có PGS.TS.BS. Trần Viết An (Phó Hiệu trưởng), BSNT. Võ Nhật Khoa, ThS.BS. Nguyễn Duy Khuê, BS. Nguyễn Nam Hải (Bệnh viện Trường).
Bệnh thận đái tháo đường (ĐTĐ) là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn trên toàn cầu và cũng là yếu tố dự báo quan trọng về tỷ lệ tử vong ở người bệnh ĐTĐ. Theo dõi chức năng thận để can thiệp kịp thời là một trong những biện pháp then chốt nhằm giảm biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Trong đó, Cystatin C được đánh giá là dấu ấn sinh học tiềm năng giúp phát hiện sớm tổn thương thận và ước tính chính xác mức lọc cầu thận, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn còn thiếu các nghiên cứu về nồng độ Cystatin C và các yếu tố liên quan trong nhóm bệnh lý này, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và phân tích trên đối tượng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong giai đoạn 2022–2024. Đề tài có ba mục tiêu chính: khảo sát nồng độ Cystatin C huyết thanh; phân tích mối liên quan với các yếu tố nguy cơ của bệnh thận ĐTĐ; và đánh giá sự tương thích giữa ước tính độ lọc cầu thận theo Cystatin C và creatinin.
Phương pháp nghiên cứu được triển khai bài bản, với quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và phân tích dữ liệu cụ thể. Các yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng như HbA1c, microalbumin niệu, rối loạn mỡ máu, chỉ số ACR, creatinin và cystatin C đều được thu thập và xử lý thống kê. Đặc biệt, việc sử dụng đồng thời ba công thức CKD-EPI 2021 để đánh giá độ lọc cầu thận là điểm mạnh của nghiên cứu, cho phép đánh giá độ chính xác và sự tương thích của từng chỉ số.

Nhóm nghiên cứu chụp hình lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có bố cục hợp lý, phương pháp rõ ràng, đạt được mục tiêu đề ra. Đây là một nghiên cứu có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn cao, có thể hỗ trợ lâm sàng trong chẩn đoán, theo dõi và cá thể hóa điều trị bệnh thận đái tháo đường tại địa phương.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài.
Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng đã thống nhất thông qua đề tài với kết quả đánh giá xếp loại Tốt.