Nghiệm thu cơ sở đề tài cấp tỉnh Cà Mau

Lượt xem: 50

Ngày 9/5/2025, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức nghiệm thu Cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học Cấp tỉnh Cà Mau. Tên đề tài: "Xây dựng qui trình chiết xuất từ lá cây mắm (Avicennia) tại Cà Mau để bào chế thành phẩm viên nang bảo vệ chức năng gan" do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chủ trì thực hiện; Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Vân.
Phát huy tiềm năng dược liệu địa phương
PGS.TS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Vân, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả của công trình nghiên cứu
Cà Mau – vùng đất cực Nam của Tổ quốc – không chỉ nổi bật bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú mà còn sở hữu nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị dược liệu cao, trong đó cây Mắm (Avicennia sp.) là một đại diện tiêu biểu. Với ba loài chủ yếu là Mắm trắng, Mắm đen và Mắm ổi phân bố rộng rãi tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các bãi bồi ven biển, loài cây này đã gắn bó mật thiết với đời sống sinh thái và văn hóa bản địa.
Dù từ lâu đã được dân gian sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, nhưng cây Mắm vẫn chưa thực sự được nghiên cứu chuyên sâu theo hướng hiện đại, đặc biệt là khai thác giá trị trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh lý gan – một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng đáng lo ngại hiện nay.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai đề tài nghiên cứu quy trình chiết xuất và bào chế viên nang từ lá cây Mắm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là cách tiếp cận mới trong phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu bản địa mà còn là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị kinh tế – y học cho loài cây quen thuộc của vùng đất Cà Mau. Tận dụng đúng tiềm năng của cây Mắm là góp phần chủ động trong chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.
Những kết quả ấn tượng
Sau 24 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể:
- Sản xuất thành công cao chuẩn hóa từ lá cây mắm (6 lô cao khô) và viên nang chứa cao chuẩn hóa từ lá cây mắm (4.000 viên thực phẩm chức năng được Sở Y tế Tỉnh Cà Mau công nhận).
- Xây dựng được quy trình điều chế cao chuẩn hoá từ lá mắm và quy trình bào chế viên nang chứa cao chuẩn hóa từ lá mắm (đơn giản, dễ chuyển giao công nghệ)
- Xây dựng được tiêu chuẩn kiểm nghiệm nguyên liệu lá mắm; Tiêu chuẩn kiểm nghiệm viên nang chứa cao chiết lá mắm có tác dụng hỗ trợ bảo vệ gan và Tiêu chuẩn kiểm nghiệm cao chuẩn hóa lá mắm (Đạt theo tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam V).
- Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của viên nang qua mô hình gây tổn thương gan ở chuột bằng paracetamol liều cao, chứng minh tác dụng hỗ trợ bảo vệ gan rõ rệt.
- Công bố 08 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 06 bài trên tạp chí chuyên ngành trong nước được công nhận bởi Hội đồng Giáo sư Nhà nước và 02 bài trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
- Đào tạo 03 Thạc sĩ chuyên ngành Dược ((Dược lý - Dược lâm sàng và Kiểm nghiệm thuốc - Độc chất), góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực dược lý và kiểm nghiệm thuốc.
Đặc biệt, đề tài không chỉ mang lại giá trị về mặt khoa học khi tạo ra quy trình chuẩn hóa cho một dược liệu bản địa, mà còn mở ra tiềm năng phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây Mắm – loài cây vốn quen thuộc với người dân Cà Mau nhưng chưa được khai thác một cách bài bản và hiệu quả.
Các thành viên Hội đồng thảo luận và đánh giá đề tài
Đề tài là minh chứng rõ nét cho cách tiếp cận nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn địa phương, đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp dược liệu quốc gia, đồng thời thúc đẩy khai thác bền vững tài nguyên bản địa phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá cao sự đầu tư công phu, nghiêm túc và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Hội đồng nhất trí đánh nghiệm thu đề tài, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo tổng kết đề tài, hoàn thành hồ sơ gửi nghiệm thu chính thức.

Hội đồng nghiệm thu và nhóm nghiên cứu chụp hình lưu niệm.
Phòng Khoa học và Công nghệ