Hội thảo "Hướng dẫn thực hiện công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 4.0"

15/10/2024

Lượt xem: 107

Trong hơn hai ngày 12-13-15/10 , Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Hướng dẫn thực hiện công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 4.0". Hội tập trung vào việc đánh giá và cải thiện chất lượng đào tạo của trường đại học, với mục tiêu hướng tới việc kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, trong thời gian qua, Trường đã có những bước phát triển đáng kể, như tăng số lượng sinh viên, mở rộng các chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra. Trường đã trải qua 2 chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục với 13 chương trình đào tạo, gồm 6 chương trình đào tạo đại học và 7 chương trình thạc sĩ được kiểm định. So với tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thì Trường đã vượt tiêu chuẩn, còn so với các trường đại học khối ngành sức khỏe thì trường đã thực hiện công tác đảm bảo chất lượng bên trong lẫn bên ngoài rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được cải thiện, như cơ cấu tổ chức, chất lượng giảng dạy và kiểm định theo các tiêu chí quốc tế.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đang hướng tới việc kiểm định chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, với mục tiêu nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường. Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, để đạt được mục tiêu này, trường đang xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, bao gồm việc tham gia các bộ tiêu chí kiểm định quốc tế.

GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu

Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ở bước đầu tiên hội nhập quốc tế trong đảm bảo chất lượng, Trường đã chọn bộ tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhấn mạnh, lãnh đạo trường, giảng viên và sinh viên đều có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, lãnh đạo trường cần đưa ra định hướng và những sự hỗ trợ cần thiết, giảng viên cần không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và sinh viên cần chủ động tham gia và đóng góp ý kiến của mình cho sự phát triển của trường. Trường đang triển khai các biện pháp cụ thể để chuẩn bị cho quá trình kiểm định, như tìm hiểu các bộ tiêu chí, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị cũng như hỗ trợ giảng viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

"Ngay từ bây giờ các Khoa cũng phải khởi động tìm hiểu và tới đây sẽ tham gia các buổi kiểm định theo tiêu chí kiểm định chất lượng theo các Hiệp hội chuyên ngành. Như vậy sẽ đảm bảo nâng cao công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường, cũng như đảm bảo thương hiệu, vị thế của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và mức độ ảnh hưởng của Trường trên tầm quốc tế", GS.TS Nguyễn Trung Kiên nói.

Chuyên gia tập huấn ThS. Đào Phong Lâm tập huấn và hỗ trợ thực hành giáo dục OBE cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Tại hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo nhà trường, đại diện lãnh đạo các Khoa, đơn vị thuộc trường đã được nghe các chuyên gia chia sẻ cách tiếp cận theo bộ công cụ AUN-QA theo tiêu chuẩn 4.0. Ông Đào Phong Lâm, chuyên gia về đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Hội đồng Bảo đảm chất lượng và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứng chỉ Tier 2 của AUN-QA đã trình bày về mô hình giáo dục OBE với mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Theo chuyên gia Đào Phong Lâm, kết thúc khóa tập huấn, các thầy cô có thể giải thích rõ được các khái niệm quan trọng và phổ biến theo đường hướng OBE. Xây dựng, nhận xét, áp dụng các chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo; lựa chọn các phương pháp sư phạm và kiểm tra đánh giá phù hợp với chuẩn đầu ra của học phần

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng có thể tham gia hiệu quả vào tiến trình tự đánh giá, cải thiện, nâng cao chất lượng của đơn vị nơi đang công tác; tham gia hiệu quả vào các công tác bên liên quan của đơn vị nơi đang công tác cũng như xác định được các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian sắp tới.

AUN (ASEAN University Network) là mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á được thành lập vào tháng 11/1995 bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử.

Kể từ khi thành lập, AUN đã xem chất lượng đào tạo là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự phát triển của giáo dục đại học ĐNA, tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo lẫn nhau giữa các trường Đại học trong và ngoài mạng lưới AUN. Để thực hiện mục tiêu này, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học của các trường trong khu vực Đông Nam Á theo bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung AUN-QA được ban hành vào năm 2004 (AUN-QA là viết tắt của ASEAN University Network - Quality Assurance).

AUN-QA là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo chứ không chỉ dựa trên những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành.

Bộ tiêu chuẩn AUN đánh giá toàn diện chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp,…