Tin tức
F0 trong khu vực phong tỏa có gì đáng quan ngại?
[ Cập nhật vào ngày (26/09/2021) ]

PGS.TS.BS Lê Thành Tài, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vừa có những đề xuất gửi lãnh đạo TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch đối với việc hạn chế sự lây nhiễm chéo tại khu phong tỏa, khu cách ly.


Theo PGS.TS.BS Lê Thành Tài, từ số liệu báo cáo của Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thấy rằng, số ca mắc đươc phát hiện trong khu cách ly, khu phong tỏa còn rất cao. Cụ thể, số ca mắc trong khu cách ly chiếm hơn 2/5 tổng số F0 của thành phố và trong khu phong tỏa chiếm hơn 1/5.

Đây là điều rất đáng quan ngại vì nếu không ngăn chặn tốt sẽ làm tăng dần các ca bệnh đưa vào bệnh viện ở tầng 1,2,3 và không khéo có thể tới lúc sẽ gây quá tải và tăng số ca tử vong như từng xảy ra ở TPHCM.

anh-1-1625922571059

Tại Cần Thơ, số ca mắc trong khu cách ly chiếm hơn 2/5 tổng số F0 của thành phố. Ảnh Bảo Kỳ

Vấn đề đặt ra là có lây nhiễm chéo trong 2 khu này không? Và nếu có thì ở mức độ nào? Rõ ràng về suy lý logic thì không thể không có, còn ở mức độ nào thì việc thường xuyên theo dõi số F0 biến động hàng ngày sẽ cho thấy được. Thông thường khi phong tỏa, cách ly thì đã có những ca đã nhiễm sẵn trong những khu đó nhưng chưa đủ để thể hiện qua test nhanh, để rồi sau đó mới thể hiện thành F0 qua những lần test sau; tuy nhiên, cũng sẽ có những ca mới bị lây nhiễm sau khi cách ly, phong tỏa.

Điển hình về khu vực phong tỏa có lây nhiễm chéo tại TP Cần Thơ là hẻm 48 Nguyễn Trãi, phường Tân An. Ngày 18/9, lực lượng đã phát hiện các hộ 48/35, 48/27, 48/25/1, 48/25/11 và 48/8b, 48/26, 48/28, 48/30, 48/34 đều có ca nhiễm. Mỗi hộ một vài ca và nhiều nhất là 7 ca/ hộ.

Và thông tin mới nhất là ngay chiều 22/9, ở cuối các hẽm nhỏ thuộc khu vực 10, phường Tân An, gần hẻm 48, gồm các hẻm 38, 34,18, cuối hẻm thông thương nhau, lại không có camera, nên nhiều người thường xuyên tụ tập café, ăn nhậu. Từ đó dẫn đến qua test nhanh sơ bộ, đã phát hiện rất nhiều hộ có người dương tính với SAR-CoV2 và khu vực 10 này hiện trở thành điểm đỏ nhất của quận Ninh Kiều.

PGS.TS.BS Lê Thành Tài cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Dù rằng lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường và hầu như trên đường không hề có bóng người trong những ngày toàn TP "ở yên một chỗ" nhưng bên trong các hẻm ở khu phong tỏa người dân vẫn rất chù quan, vô tư giao lưu, ăn nhậu, “tám chuyện” với nhau.

Trong khi đó, ngoài biển báo và một số ít dây bảo vệ giăng ở đầu hẻm thì hầu như rất thiếu sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng; điều này thể hiện việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Thêm vào đó việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, chưa thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Rồi tâm lý người dân trong khu phong tỏa khi xét nghiệm âm tính 1 - 2 lần lại rất chủ quan.

Để khắc phục tình trạng này, theo PGS.TS.BS Lê Thành Tài, trước hết phải là siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Cụ thể, thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp, đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa và có giải pháp khắc phục ngay.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý phong tỏa

Công tác truyền thông, tuyên truyền cần sâu sát hơn để người dân phải hiểu những nguy cơ lây lan trong các hẻm, và ý thức hơn trong chống dịch. Các lực lượng chức năng cần "Làm cho người dân hiểu rõ nếu không tuân thủ tốt qui định giãn cách thì sẽ phải khổ sở xét nghiệm đi xét nghiệm lại nhiều lần”.






Nguồn: http://mientay.giadinhonline.vn/f0-trong-khu-vuc-phong-toa-co-gi-dang-quan-ngai-d4363.html



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

 

 

tiện ích