Tin tức
'Công bố dịch toàn quốc giúp thúc đẩy biện pháp phòng chống'
[ Cập nhật vào ngày (01/04/2020) ]

Sau khi công bố Covid-19 toàn quốc, các biện pháp chống dịch sẽ được thực thi chặt chẽ và cụ thể hơn, theo lãnh đạo Bộ Y tế.



Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như trên, chiều 1/4. "Việc này còn nhằm cảnh báo trên toàn quốc về tình trạng dịch bệnh, để mỗi người điều chỉnh hành vi, tuân thủ các quy định, khuyến cáo của Chính phủ và chính quyền địa phương", ông Sơn nói. 

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế), vừa qua Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, cách ly nghiêm ngặt người nhập cảnh nên kiểm soát được nguồn lây. Nhưng hiện nay, dịch bệnh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, "dễ lây từ nhóm này sang nhóm khác, nên mức độ nguy hiểm cao hơn".

Vì vậy, việc công bố dịch Covid-19 toàn quốc nhằm thúc đẩy tất cả các địa phương, bao gồm 25 tỉnh, thành có người nhiễm nCoV (đến 31/3) và nơi chưa có, đều phải hành động quyết liệt, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch.

Binh chủng hoá học phun thuốc khử trùng số nhà 125 và khu vực xung quanh ở phố Trúc Bạch ,Hà Nội, sau khi phát hiên ca bệnh 17, ngày 7/3. Ảnh: Giang Huy

Binh chủng hoá học phun thuốc khử trùng số nhà 125 và khu vực xung quanh ở phố Trúc Bạch ,Hà Nội, sau khi phát hiên ca bệnh 17, ngày 7/3. Ảnh: Giang Huy

"Việc công bố dịch toàn quốc cũng cho thấy tính chất, mức độ khó lường của dịch bệnh. Việt Nam đang thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày. Các cơ quan chức năng và mỗi người dân đều phải thực hiện nghiêm giải pháp này, bởi nếu chỉ cần xảy ra một trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng, sẽ lây ra nhiều nhóm khác, rất khó kiểm soát", ông Quang phân tích. 

Ngoài ra, theo ông Quang, công bố dịch còn giúp Chính phủ huy động nguồn lực, trong đó có các kênh doanh nghiệp, quốc tế để chống dịch. 

Trước khi công bố dịch toàn quốc, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp cần thiết và hiệu quả như lập Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch, cho học sinh nghỉ, hạn chế tụ tập đông người, yêu cầu cách ly xã hội... Việc công bố dịch lần này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các biện pháp của Luật sẽ tiếp tục được áp dụng phù hợp.

"Hồi đầu tháng 2, Thủ tướng công bố dịch, nhưng khi đó cả nước mới có 6 ca nhiễm nCoV ở ba tỉnh (Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc). Lần này, dịch đã lây lan ra 25 tỉnh, thành đòi hỏi chính quyền và người dân cả nước phải đề cao tinh thần chống dịch", ông Quang nói thêm và lưu ý, tùy theo tình trạng dịch bệnh, cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra mức độ ứng phó khác nhau. 

Trưa 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố Covid-19 trên toàn quốc. Theo quyết định, dịch xảy ra tại Việt Nam từ 23/1, khi xác định người đầu tiên mắc nCoV. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A và nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Hiện Việt Nam ghi nhận 212 bệnh nhân Covid-19, ở 25 tỉnh, trong đó 60 người đã khỏi bao gồm 2 người ở Ninh Thuận ra viện sáng 1/4.




Nguồn: https://vnexpress.net/thoi-su/cong-bo-dich-toan-quoc-giup-thuc-day-bien-phap-phong-chong-4078111.html



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

 

 

tiện ích