Tin tức
Cơ chế tự chủ từng bước nâng cao vị thế đơn vị
[ Cập nhật vào ngày (03/02/2023) ]

Sau hơn 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Ðại học Y Dược (ÐHYD) Cần Thơ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lực y tế chất lượng cao phục vụ phát triển vùng ÐBSCL và cả nước.



IMG_9225.jpg

Sau hơn 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Ðại học Y Dược (ÐHYD) Cần Thơ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lực y tế chất lượng cao phục vụ phát triển vùng ÐBSCL và cả nước. Xoay quanh câu chuyện tự chủ, PGS.TS.BS Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ÐHYD Cần Thơ, cho biết:

- Trường ÐHYD Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 455/QÐ-TTg (ngày 13-4-2017), thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDÐH) công lập. Trường đã thành lập Hội đồng trường và các hoạt động của đơn vị theo quy định trong ngành.

Hiện trường có 10 mã ngành đào tạo trình độ đại học, 90 mã ngành và chuyên ngành sau đại học; với quy mô đào tạo trên 13.000 sinh viên, học viên sau đại học. Từ khi thực hiện tự chủ đến nay, trường xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Trường duy trì xuất bản Tạp chí Y Dược học có chỉ số ISSN, xuất bản tiếng Việt và tiếng Anh từ 10-12 số tạp chí trong 1 năm. Các năm qua, đội ngũ của trường công bố quốc tế từ 60-70 bài báo thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Bệnh viện Trường ÐHYD Cần Thơ từ khi mới thành lập cũng thực hiện tự chủ. Quy mô dù chỉ 250 giường, nhưng bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện hơn 10.200 kỹ thuật, kể cả kỹ thuật đặc biệt; hằng năm có khoảng 220.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú.

Ðảng bộ trường hiện có 18 tổ chức đảng trực thuộc, bao gồm 9 đảng bộ cơ sở (có 48 chi bộ) và 9 chi bộ cơ sở, với hơn 1.100 đảng viên.

► Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, thành tựu đạt được thể hiện rõ nét nhất ở hoạt động nào, thưa Phó Giáo sư?

- Thời gian qua, trường thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với GDÐH công lập theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Công tác này phù hợp với xu thế quốc tế, định hướng của Ðảng và Nhà nước. Vượt qua khó khăn, thách thức, trường đã phát triển vững chắc, đa dạng và toàn diện; từng bước nâng vị thế trong ngành, khu vực và cả nước. Nổi bật như tổ chức bộ máy hợp lý, đảm bảo tinh gọn, đủ năng lực quản trị hoạt động. Xây dựng đội ngũ quản lý, giảng viên, nghiên cứu và nhân viên bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trường xây dựng hệ thống quản trị đại học hiện đại theo mô hình có các hệ thống công cụ tiên tiến như đề án vị trí việc làm, chỉ số hiệu suất công việc (KPIs), chỉ số mục tiêu và kết quả then chốt, chi trả thu nhập tăng thêm theo 3P (Position, Person, Performance). Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của trường để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác; quyết định các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa để phát triển cơ sở vật chất của trường. Quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, dịch vụ y tế, tổ chức hoạt động dịch vụ khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn; quyết định việc cho thuê tài sản để sử dụng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ sinh viên…

Ðảng bộ trường đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các chủ trương, quyết định, chỉ đạo của Thành ủy, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Toàn trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, trí tuệ, kinh nghiệm tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao; đưa trường phát triển thành trường đại học định hướng ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe có hệ thống quản trị đại học tiên tiến, đạt chuẩn chất lượng và xếp hạng trong các trường đại học hàng đầu khu vực; trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thu hút các nhà khoa học đến làm việc và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học sức khỏe, đầu mối chuyển giao công nghệ.

Thưa Phó Giáo sư, trường còn những vướng mắc gì trong quá trình thực hiện tự chủ?

- Trong xu thế từng bước tự chủ đại học hiện nay, các trường đại học không ngừng tự nâng cao chất lượng, đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng. Trường chuyển sang thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư. Nguồn kinh phí hoạt động của trường chủ yếu từ nguồn thu học phí. Hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ chưa đầy đủ nên trường gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động của trường đại học tự chủ.

Một buổi học của sinh viên Trường ÐHYD Cần Thơ. Ảnh: CTV

Một buổi học của sinh viên Trường ÐHYD Cần Thơ. Ảnh: CTV

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trường là trường đại học y dược trọng điểm của vùng, đào tạo nhân lực y tế của ÐBSCL. Tuy nhiên, trường vẫn đối diện với một số bất cập trong thực hiện tự chủ đại học, tự đánh giá và đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo; số chương trình đào tạo còn hạn chế; bệnh viện trường chưa phải bệnh viện tuyến cuối trong hệ thống y tế; số lượng giảng viên có học vị giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; chưa hoàn tất được các hạng mục đầu tư xây dựng trường giai đoạn 2; kinh phí các hạng mục đầu tư lớn như phát triển đội ngũ nhân lực, phát triển cơ sở vật chất, hội nhập quốc tế còn giới hạn.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 13704 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc: “Thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”. Ðây là thách thức cho các trường bởi công văn đã được ban hành và hiện các địa phương đang thúc đẩy việc truy thu này. Vấn đề không chỉ là số tiền truy thu sẽ rất lớn đối với một trường đại học, mà việc này còn cho thấy nhận thức về tự chủ đại học phải chăng đang bị hiểu sai. Tự chủ đại học không phải là tách GDÐH ra khỏi hệ thống nhà nước, cơ sở GDÐH tự chủ bị cắt hết các khoản đầu tư… mà nhà trường vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển. Như vậy mới thể hiện được giáo dục là quốc sách hàng đầu, mới có thể có những quyết sách quan trọng để phát triển.

► Phó Giáo sư có những đề xuất gì để tự chủ của trường nói riêng, các trường đại học nói chung, thực sự hiệu quả?

- Quy mô đào tạo nhân lực y tế cho vùng tăng hàng năm, phần nào đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại. Tuy nhiên thực trạng cho thấy, do số lượng nhân viên y tế đến tuổi nghỉ hưu và nghỉ việc, dẫn đến cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu nhân lực y tế, nhất là nhân lực có trình độ bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, là vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy kiến nghị Chính phủ, các bộ liên quan, cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh để bổ sung nhân lực y tế các tỉnh, thành phố trong giai đoạn nhân viên y tế nghỉ việc và cơ chế đặc thù đào tạo các lĩnh vực ngành hiếm (lao, tâm thần, phong, giải phẫu bệnh, pháp y).

Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ, mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia, hướng tới đẳng cấp quốc tế với chất lượng tốt hơn trước khi thực hiện tự chủ.

Cần có những cơ chế thuận lợi hơn, tạo điều kiện nhiều hơn để giúp các cơ sở GDÐH tự chủ mở rộng, tăng nguồn thu tài chính từ các hoạt động khoa học công nghệ, từ các nguồn khác ngoài học phí, nhất là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong sử dụng các tài sản, cơ sở vật chất hiện có của cơ sở GDÐH. Riêng các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành khoa học sức khỏe, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và các Bộ liên quan xây dựng nghị định về hoạt động đặc thù của các bệnh viện trực thuộc trường đại học y - dược, trong đó cơ chế tài chính, đầu tư, mua sắm, sửa chữa phân cấp. Kiến nghị đưa vấn đề quy định thu tiền thuế đất của các cơ sở GDÐH tự chủ ra khỏi Luật Ðất đai sửa đổi sắp tới.

Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng các trường khối ngành khoa học sức khỏe xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về thực hiện tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế; xây dựng chính sách thu hút, duy trì, tăng cường nguồn lực về giảng viên, chuyên viên, có trình độ chuyên môn cao.

► Xin cảm ơn Phó Giáo sư!l




Nguồn: https://baomoi.com/co-che-tu-chu-tung-buoc-nang-cao-vi-the-don-vi/c/44909014.epi



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

 

 

tiện ích