Tin tức
Nhật ký tình nguyện: là tự hào hay tự ti, là kết thúc hay bắt đầu
[ Cập nhật vào ngày (27/09/2021) ]

Sài Gòn vào một thoáng nắng mưa của tháng 9, tôi chọn ngắm nhìn thành phố này qua đôi mắt buồn đầy nuối tiếc nhưng cũng nhiều hi vọng.


image001.jpg

Nhìn Sài Gòn từ Bệnh viện Dã chiến số 6, TP. Thủ Đức

Trở lại những ngày cuối tháng 8, tôi bắt đầu về lại Sài Gòn trong một hành trình mới, với niềm mong đợi sẽ chung tay đẩy lùi dịch bệnh, sẽ giúp một chút sức bé nhỏ cho anh trai mình trên này sớm ổn định lại cuộc sống. 8 ngày là chặng đường ngắn ngủi mà tôi đã được cống hiến vì cộng đồng. Và rồi sau đó là bắt đầu chuỗi ngày dài cách ly điều trị để bản thân vượt qua nỗi buồn bã trở thành “F0”. Khi đã là “F0”, dù tâm lí đã chuẩn bị từ trước nhưng bản thân cũng hiểu rằng từ giờ, chúng ta dần trở thành một gánh nặng cho người khác. Di chuyển liên tục từ địa điểm này đến địa điểm khác, và cuối cùng là bệnh viện dã chiến số 6. Mỗi ngày trôi qua, ngoài cơm nước 3 bữa thì "tự giam lỏng" bản thân để điều trị bệnh là việc làm có lẽ sẽ thiết thực nhất. Nhìn bạn bè của mình ở ngoài kia tung hoành ngang dọc, xông trận chiến dịch với “lộng lẫy” đồ bảo hộ, bản thân dần cảm thấy chạnh lòng quá. “Mình vẫn còn muốn làm việc và mình sẽ có thể làm được gì ở đây?”, tôi tự hỏi chính mình và nghĩ cách sẽ trở nên ra sao trong những ngày tới. Ở nơi đây, các đồng đội trong “team Bệnh viện Dã chiến số 6” đều chịu khó chia nhau phụ các BS khám bệnh cho F0 khác trong cùng bệnh viện hoặc đi phụ các TNV lấy mẫu tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Ở ngoài kia, người ta sẽ được trang bị bảo hộ đầy đủ từ đầu đến chân thì ở đây, các bạn ấy chỉ cần diện đồ scrubs đơn giản hay cả đôi khi là quần cụt áo thun là đủ để giúp các bệnh nhân khác. Cứ như thế, chúng tôi luân phiên nhau chia sẻ nhiệm vụ mới này, chẳng vướng bận đồ bảo hộ PPE, chẳng nghĩ nhiều về sự hơn thua thiệt thòi. Hai hình ảnh trái ngược ấy cứ mãi in sâu trong tôi những nghĩ suy, nó dấy lên câu hỏi, liệu khoác lên màu áo trắng pha xanh có là trái nghĩa với những đôi dép lê cùng bộ đồ giản đơn.

image001.jpg

Thanh Bình kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn cho cô bệnh nhân lớn tuổi

image001.jpg 

Hồng (em út trong team) kiểm tra và bổ sung thông tin cho một bệnh nhân được xuất viện

image001.jpg 

Đăng Huy và Hồng thăm hỏi bệnh tình mọi người và ghi chú giúp cho các BS điều trị


Tôi cũng đã từng tự hào vì hình ảnh mình ở trong những tuyến đầu chống dịch thì ngay lúc này đây, nỗi tự ti lại lớn hơn bao giờ hết. Sự bất lực, buồn bã, và khoảng cách dần đưa con người ta ra xa nhau thêm một chút. Nó y như cảm giác trước đây của tôi cùng ba. Ông học và làm việc mãi đến ngưỡng cửa 50t mới có được bằng BS y dược Huế. Trớ trêu thay, ít năm sau đó căn bệnh tai biến và ung thư quái ác đã biến màu áo trắng của người BS dần trở lại màu áo xanh của bệnh nhân. Trong những ngày cuối cùng của ba, tôi chỉ có thể làm được một việc đó là đi từ Cantho trở về nhà thường xuyên hơn, để hình ảnh của mình được xuất hiện nhiều hơn trước mắt ông. Còn lại chỉ là sự nuối tiếc và bất lực. Tuy nhiên trong sự đau buồn khi ấy tôi vẫn còn nhớ đến những niềm vui mà bệnh nhân họ được ba tôi chữa khỏi bệnh. Hình ảnh ấy cũng giống như cái cách mà mỗi chúng tôi thông báo cho các bệnh nhân trong BVDC(6) được xuất viện, họ nhảy cẫng lên và vui cười trong sung sướng, họ bất chợt gửi lời cảm ơn bằng cụm từ “các bác sĩ”, trong đó có cả sinh viên chúng tôi nữa. Ngay lúc ấy tôi tin rằng việc mình phục vụ ở BVDC(6) đã một phần nào đó “đơm trái ngọt” bằng sức khỏe và niềm vui sướng của bệnh nhân. Sau tất cả đối với tôi, câu hỏi mình làm được gì tại Bệnh viện Dã chiến và chưa làm được gì trong chiến dịch tại Sài Gòn có lẽ đã có câu trả lời.

Khi vẫn còn bỏ ngõ nhiều trăn trở thì sự động viên, hỏi thăm khích lệ của các thầy cô cả về tinh thần lẫn vật chất, cho dù là rất lớn hay bé nhỏ cũng đều sốc dậy những niềm hi vọng cũ cũng như mới trong tôi.

Sự cần mẫn, chăm lo, thăm hỏi và kể cả phục vụ cho chúng tôi đến từng bữa ăn một từ các thầy cô lại càng có thêm lí do để chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe và kiên trì thực hiện các nhiệm vụ mà mỗi người được làm, dù là ngoài cộng đồng hay trong BVDC.

image001.jpg 

BS Khánh Phạm thăm hỏi và động viên mọi người cùng nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh

image001.jpg 

Thầy cô và BS của BVDC(6) cùng trao quà trung thu cho mọi người, không một ai bị bỏ quên

image001.jpg 

Một kỉ niệm đón trung thu có lẽ sẽ là đáng nhớ nhất của tất cả mọi người ở BVDC(6)

Cứ như thế, chúng tôi đếm ngược những chuỗi thời gian này. Ngày qua ngày, dù trời bên ngoài có nắng hay đang mưa, bước chân của các bạn trẻ ấy vẫn chạy vội theo các BS và TNV hỗ trợ thăm khám các bệnh nhân. Họ mang trong mình "những kẻ lạ mặt" virus tàn phá sức khoẻ chính mình nhưng lại đến bên cạnh các bệnh nhân để cùng đánh đuổi “những kẻ lạ mặt” kia. Đặc biệt là, các bạn ấy chẳng mặc PPE như cách mà bệnh nhân cũng thấy lạ và vẫn hỏi “Sao cô chú không thấy tụi con mặc đồ bảo hộ!”. Đôi lúc giữa những lần gặp gỡ các bệnh nhân vẫn còn xen lẫn ít phút lặng im vì cái mệt hụt hơi. Cứ thế, chiến dịch cộng đồng này dần về đến kết thúc như thể nếu đã đến cuối cùng thì tất cả sẽ ổn theo cách của nó vậy. Mỗi người đều nghĩ về ngày khỏi bệnh, được xuất viện và trở về nhà với nhịp sống bình yên trở lại. Cuộc sống là dòng chảy của thời gian, rồi sau này, mỗi chúng ta sẽ có những con đường riêng cho bản thân. Chỉ mong rằng, tất cả trải nghiệm này sẽ là mở đầu cho những bài học quí giá trong cuộc sống. Để không những nó là kinh nghiệm mà còn sẽ là những hồi ức của tuổi trẻ, những kỉ niệm mãi không phai nhoà, những hình ảnh của bản thân mang tên "sự nhiệt huyết", sẽ mang dấu ấn của thời gian.

image001.jpg 

Các bạn trẻ cùng BS Huế hỗ trợ thăm khám và lấy các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân

image001.jpg 

image001.jpg

Hoàng  và Hiền kiểm tra SpO2 cho các bệnh nhân F0

image001.jpg

Nhung, Hoàng và Hưng đợi tập trung cùng các TNV khác chia nhau công việc lấy mẫu

image001.jpg

Nhung và Hiền cùng chia sẻ ít bánh, sữa tươi và mì gói của các bạn cho những bệnh nhân có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn hơn trong BVDC

image001.jpg

Sài Gòn lại bất chợt nặng trĩu từng hạt mưa như vốn có ở nơi đây. Một thành phố đã từng không ngủ mà nay lại ngủ vùi trong dãn cách xã hội, một áng mây, một thoảng gió lay lặng lẽ trôi qua, bất kể sáng hay tối, ngày hay đêm cũng chẳng đánh thức nỗi những con đường vắng xe, những ngôi nhà đã then cửa, tất cả dường như đang ngủ đông chờ qua cơn bão dịch bệnh này. Tôi cũng dần thấm mệt, những bước chân nặng nề hơn, tiếng thở dài sau lớp khẩu trang dần nhiều hơn, đã gần 2 tháng phiêu lưu trên những chiến dịch khi giờ đây kết thúc là những ngày cuối cùng điều trị bệnh và cách ly. Tôi đã từng lo lắng nhưng rồi đến cuối cùng mọi việc đã ổn. Vì vậy, nếu ai cũng sợ và trốn tránh thì có lẽ sẽ chẳng có một TNV hay BS nào ở tuyến đầu để góp sức cho cuộc sống trở lại yên bình cả. Bỏ lại sau lưng còn nhiều dang dở, có lẽ mong muốn ngay lúc này là sẽ chẳng còn dịch bệnh nữa, để những cố gắng của tôi và của cả đoàn trường sẽ một phần giúp cho “Thành phố mang tên Bác” mau chóng khẻo lại và tôi…. được sớm trở về căn trọ nhỏ, được ngủ một giấc thật yên bình và lại đắm chìm vào một góc đa sầu đa cảm của bản thân, trau dồi và tích lũy thật nhiều điều để mỗi ngày đều dành sự quan tâm cho mẹ và các anh chị ở nơi xa....

Rồi ngày mai sẽ có nắng, cơn mưa rồi sẽ tạnh và cầu vòng sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ gặp lại nhau và cùng nhau viết tiếp những hành trình mới, những hoài bão còn dở dang trong một cuộc sống đầy màu sắc, đầy hy vọng và cũng đầy tự hào.

Đến cuối cùng, chúng ta sẽ ổn thôi…






Nhật ký THH cùng những người bạn



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

 

 

tiện ích