Bộ Y tế
QUY CHẾ ĐÀO TẠO CHUYÊN KHOA CẤP I SAU ĐẠI HỌC (Ban hành kèm theo Quyết định số 1636 ngày 25 tháng 5 năm 2001)
[ Cập nhật vào ngày (30/12/2020) ]

QUY CHẾ ĐÀO TẠO CHUYÊN KHOA CẤP I SAU ĐẠI HỌC (Ban hành kèm theo Quyết định số 1636 ngày 25 tháng 5 năm 2001)


QUY CHẾ ĐÀO TẠO

CHUYÊN KHOA CẤP I SAU ĐẠI HỌC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1636 ngày 25 tháng 5 năm 2001)

 

CHƯƠNG I

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO

 

Điều 1. Mục tiêu:

 

Chuyên khoa cấp I (CKI) là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành Y tế, áp dụng cho tất cả chuyên ngành lâm sàng và thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học sức khoẻ nhằm mục đích đào tạo nhân lực Y tế có khả năng thực hành trong một chuyên ngành rộng, bổ sung một số kiến thức khoa học cơ bản và y dược học cơ sở đã học trong đại học để có thể tự học vươn lên, trở thành các chuyên gia Y tế thực hành chuyên khoa.

 

Điều 2. Đối tượng đào tạo:

 

          Tất cả những người đã tốt nghiệp Đại học các ngành khoa học sức khỏe hệ chính quy hoặc không chính quy, công tác trong lĩnh vực Y tế ở các cơ sở thực hành lâm sàng, thực hành nghề nghiệp, có các điều kiện sau đây được học tập CKI:

          - Có bằng tốt nghiệp đại học thuộc ngành học tương ứng chuyên ngành xin dự thi (đối với các chuyên khoa: Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Mắt phải có chứng chỉ định hướng chuyên khoa).

          - Có thời gian công tác trong chuyên ngành từ 12 tháng trở lên.

          - Tuổi đời không quá 45 đối với nữ và 50 đối với nam.

          - Có đủ sức khỏe (theo quy định tại thông tư liên Bộ Y tế, ĐH-THCN và dạy nghề số 10/TTLB ngày 18/8/1989 và công văn hướng dẫn 2445/TS ngày 20.5.1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

          - Lý lịch bản thân rõ ràng, hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

          - Các đối tượng ngoài biên chế nhà nước nếu có nhu cầu học tập phải đóng kinh phí đào tạo theo đúng quy định của Nhà nước.

          - Người nước ngoài muốn học CKI tại Việt Nam, phải có đủ các điều kiện quy định tại điều này và được Bộ Ngoại giao nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giới thiệu.

 

Điều 3. Hồ sơ xin dự tuyển gồm:

 

          - Đơn xin dự thi.

          - Bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có công chứng).

          - Công văn cử đi dự thi của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức của địa phương hay cơ sở hành nghề tư nhân.

          - Lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý.

          - Các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

          - Sau khi trúng tuyển phải có quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền, nếu là người ngoài biên chế nhà nước phải có xác nhận đủ điều kiện đi học của Ủy ban nhân dân Quận, Huyện nơi đang hành nghề.

 

Điều 4. Hình thức và thời gian đào tạo:

          Có 3 hình thức đào tạo CKI:

          - Tập trung: học viên tập trung học tập liên tục tại trường Đại học, thời gian đào tạo 2 năm.

          - Tập trung theo chứng chỉ: học viên tạp trung học tập thành từng đợt theo kế hoạch của cơ sở đào tạo. Thời gian học tập tương đương 2 năm tập trung và kéo dài từ 3 đến 5 năm.

          - Chứng chỉ: Sau khi trúng tuyển học viên đăng ký học và thi các chứng chỉ của các học phần trong chương trình tại cơ sở đào tạo. Thời gian học tập từ 4 đến 5 năm. Học viên đăng ký học thực hành tại một cơ sở thực hành của Trường Đại học được Bộ Y tế công nhận dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trường Đại học và giảng viên kiêm nhiệm.

          Nội dung chương trình học tập của các hình thức đào tạo nói trên là tương đương nhau.

 

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Điều 5. Cơ sở đào tạo:

          Cơ sở đào tạo CKI là các trường đại học Y Dược có điều kiện sau:

- Có chương trình đào tạo được Bộ Y tế phê duyệt.

- Có đủ đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị: Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ hoặc CKII. Số lượng quy định tối thiểu là 3 giảng viên chuyên ngành cho mỗi chuyên ngành đào tạo trong đó không quá 1/3 là giảng viên thỉnh giảng.

Bác sỹ chính, Dược sỹ chính có trình độ chuyên khoa I và thạc sỹ có thể tham gia giảng dạy với tư cách trợ giảng.

Mỗi giảng viên chuyên ngành phụ trách tối đa 10 học viên bao gồm các khóa và các hình thức đào tạo.

- Có đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy học (phòng thí nghiệm, phương tiện giảng dạy, thư viện) có giáo trình, sách giáo khoa chuyên ngành.

- Có ký túc xá cho học viên.

- Có cơ sở thực hành đào tạo CKI đủ trang thiết bị được Bộ Y tế công nhận.

 

Điều 6. Thi tuyển:

 

          + Việc thi tuyển thực hiện theo đúng các quy định về thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế.

          + Hội đồng tuyển sinh CKI do Hiệu trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập.

          + Mỗi năm chỉ tổ chức thi tuyển một lần theo chỉ tiêu được giao.

          + Môn thi:

                   - Môn cơ sở.

                   - Môn chuyên ngành theo ngành xin học.

                   Nội dung cụ thể các môn thi do các cơ sở đào tạo quy định.

 

Điều 7. Điều kiện trúng tuyển:

          - Điểm các môn thi đều phải đạt từ 5 trở lên (thang điểm 10), nếu số thí sinh đạt lớn hơn số chỉ tiêu đào tạo thì lấy từ trên xuống đến số thứ tự bằng số chỉ tiêu căn cứ vào tổng điểm hai môn (làm tròn đến 0,5 điểm). Nếu số thí sinh đạt thấp hơn chỉ tiêu đào tạo cũng không lấy thêm.

          - Các đối tượng ưu tiên được xem xét trong tuyển chọn theo quy định tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          - Cơ sở đào tạo báo kết quả thi tuyển, dự kiến điểm chuẩn đề nghị Bộ Y tế duyệt.

          - Hiệu trưởng các trường được Bộ Y tế ủy quyền, quyết định công nhận trúng tuyển, báo cáo Bộ Y tế.

 

Điều 8. Chế độ cử tuyển:

          Chế độ cử tuyển đào tạo CKI được thực hiện theo tinh thần thông tư liên tịch số: 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN ngày 26/02/2001, về việc hướng dẫn tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển.

          - Học viên là cán bộ dân tộc ít người đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo và những vùng khó khăn khác) ít nhất 3 năm.

          - Có quyết định cử đi học CKI của UBND tỉnh theo chế độ cử tuyển.

          - Không phải dự thi tuyển nhưng phải học bổ túc 30 đơn vị học trình về những kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành cần thiết tại cơ sở đào tạo và sau khi kiểm tra đạt, mới được xét vào học. Trường Đại học được giao đào tạo đối tượng này phải biên soạn chương trình và tài liệu trình Bộ Y tế duyệt.

          - Sau khi tốt nghiệp, học viên phải trở về cơ quan cũ (nơi cử đi học) công tác.

          Hàng năm UBND các tỉnh gửi nhu cầu đào tạo CKI theo chế độ cử tuyển về Bộ Y tế để tổng hợp, lập kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu cho từng tỉnh.

 

Điều 9. Chương trình đào tạo:

 

          Chương trình đào tạo CKI không ít hơn 100 đơn vị học trình (ĐVHT) theo tỷ lệ: 50% đơn vị học trình lý thuyết 50% đơn vị học trình thực hành (phải được tiến hành ở các phòng thí nghiệm của trường, các bệnh viện, viện nghiên cứu hay thực địa).

          Cụ thể như sau:

          - Các môn chung (triết, tin, ngoại ngữ) chiếm khoảng 20%.

          - Các môn cơ sở và hỗ trợ chiếm khoảng 10%.

          - Môn chuyên ngành không ít hơn 60%.

          Chương trình chi tiết của mỗi chuyên ngành do các cơ sở đào tạo xây dựng, thông qua hội đồng khoa học cơ sở, trình Bộ Y tế phê duyệt.

 

Điều 10. Đánh giá môn học / học phần:

          - Các môn học có cả lý thuyết và thực hành: căn cứ vào tỷ lệ từng phần để tổng hợp thành điểm chung.

          - Các môn lâm sàng: điểm lý thuyết và thực hành tính độc lập.

          Điểm lý thuyết và thực hành phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10 (làm tròn đến 0,5 điểm).

          Học viên có điểm thi hết môn học/học phần không đạt được dự thi lần hai, nếu vẫn không đạt phải học lại và thi lại môn học đó với khóa tiếp theo. Học viên có bất kỳ môn nào thilần 3 vãn không đạt hoặc có số môn phải học lại quá một phần ba tổng số môn học thì phải buộc thôi học. Kinh phí học lại, do học viên đóng góp theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Điều 11. Thi tốt nghiệp:

          - Điều kiện thi tốt nghiệp: Học viên được dự thi tốt nghiệp sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo quy định tại điều 9, đạt điểm kết thúc các môn học/học phần quy định tại điều 10 và không vi phạm kỷ luật trong quá trình học tập.

          - Môn thi tốt nghiệp là môn chuyên ngành bao gồm 2 phần: lý thuyết và thực hành. Điểm của từng phần được tính độc lập và đều phải đạt từ 5 điểm trở lên (thang điểm 10).

          - Hội đồng thi tốt nghiệp CKI do Hiệu trưởng các trường được phép đào tạo ra quyết định thành lập.

          Chủ tịch hội đồng quyết định nội dung và hình thức thi tốt nghiệp.

 

Điều 12. Công nhận tốt nghiệp:

          - Cơ sở đào tạo báo cáo kết quả thi tốt nghiệp, lập danh sách học viên trình Bộ Y tế duyệt. Hiệu trưởng các trường đào tạo được Bộ Y tế ủy quyền quyết định công nhận tốt nghiệp, báo cáo Bộ Y tế.

          - Học viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng CKI theo từng chuyên ngành. Bằng CKI do Bộ Y tế thống nhất quản lý và phát hành trong toàn quốc.

          - Hiệu trưởng các trường đào tạo CKI ký bằng tốt nghiệp.

 

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỌC VIÊN

Điều 13. Nhiệm vụ:

          - Học viên phải chấp hành đầy đủ các quy chế, quy định về đào tạo CKI, các quy chế, quy định của cơ sở thực hành và trường đại học.

          - Học viên phải hòan thành kế hoạch đào tạo đúng thời hạn quy định. Học viên có lý do chính đáng có thể tạm dừng học tập một lần và được bảo lưu kết quả học tập một năm.

          - Học viên múon chuyển chuyên ngành đào tạo phải được sự đồng ý của cơ sở đào tạo và Bộ Y tế, phải học và thi các môn học/học phần còn thiếu.

          - Học viên thuộc chỉ tiêu ngân sách nhà nước thì đóng học phí theo quy định. Các học viên khác phải đóng kinh phí đào tạo.

 

Điều 14. Quyền lợi:

 

          - Học viên được sử dụng thư viện, các tài liệu khoa học, phòng thí nghiệm phục vụ cho học tập.

          - Trong thời gian học tập, nếu học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và các quy định của cơ sở đào tạo, được xác nhận để cơ quan xét nâng bậc lương theo quy định của Nhà nước. Lương, phụ cấp và mọi quyền lợi khác của học viên do đơn vị cử đi học giải quyết.

          - Học viên ngoài biên chế nhà nước, sau khi đóng đủ kinh phí đào tạo theo quy định, được hưởng mọi quyền lợi như những học viên khác.

          - Sau khi tốt nghiệp học viên trở lại công tác tại cơ quan cử đi học, được dự thi nâng ngạch bác sỹ chính, dược sỹ chính theo quy định của Nhà nước.

          - Học viên tốt nghiệp CKI xếp loại xuất sắc được xem xét học chuyển tiếp CKII, nhưng vẫn phải đủ thời gian thâm niên quy định của quy chế đào tạo CKII mới được cấp bằng.

 

Điều 15. Liên thông các loại hình sau đại học

 

          Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có quy định cụ thể nguyên tắc liên thông chuyển đổi các loại hình đào tạo CKI, thạc sỹ trong lĩnh vực y tế.

 

CHƯƠNG IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIẢNG VIÊN

Điều 16. Nhiệm vụ:

 

          - Giảng viên có nhiệm vụ tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy và biên soạn bài giảng theo nhiệm vụ được phân công.

          - Hướng dẫn, theo dõi và giứp đỡ học viên học tập đảm bảo đúng kế hoạch và chất lượng đào tạo.

 

Điều 17. Quyền lợi:

 

          Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản quy định quyền lợi tương đương của các giảng viên sau đại học (CKI, CKII, BSNTBV, thạc sỹ và tiến sỹ) thuộc lĩnh vực y tế.

CHƯƠNG V

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO

 

Điều 18. Trách nhiệm của trường đại học:

 

          - Các trườn đại học có đủ điều kiện đào tạo CKI quy định tại điều 5 đăng ký mã số đào tạo theo quy định mở mã ngành đào tạo mới. Trong vòng 45 ngày kể từ khi nhận được đăng ký của cơ sở, Bộ Y tế sẽ tổ chức thẩm định và giao nhiệm vụ đào tạo.

          - Trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo CKI quản lý toàn bộ quá trình đào tạo theo quy chế.

          - Trường đại học có trách nhiệm kết hợp với viện/bệnh viện thực hành trong quá trình đào tạo đảm bảo việc thực hành cho học viên chuyên khoa.

 

Điều 19. Trách nhiệm của viện/bệnh viện thực hành:

 

          - Các viện, bệnh viện, cơ sở y tế được trường đại học đề nghị là cơ sở thực hành và được Bộ Y tế công nhận, có trách nhiệm cùng tham gia đào tạo với trường đại học đảm bảo kế hoạch nhiệm vụ được phân công.

          - Các viện/bệnh viện khác có thể là cơ quan phối hợp với trường đại học trong việc giảng dạy chuyên môn cho học viên chuyên khoa khi được yêu cầu.

 

Điều 20. Kinh phí đào tạo:

 

          - Các trường đại học đào tạo CKI được phép quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo CKI và các nguồn thu khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

          - Các trường đại học và các viện, bệnh viện tham gia đào tạo CKI được Bộ Y tế ưu tiên xem xét đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

 

CHƯƠNG VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Khen thưởng:

 

          - Giảng viên có thành tích đào tạo CKI đạt chất lượng cao được cơ sở đào tạo hoặc Bộ Y tế khen thưởng.

          - Học viên có thành tích học tập xuất sắc được cơ sở đào tạo hoặc Bộ Y tế khen thưởng.

          - Cơ sở đào tạo có thành tích trong đào tạo được Bộ Y tế khen thưởng.

Điều 22. Xử lý vi phạm:

          Cá nhân hoặc cơ sở đào tạo vi phạm quy chế này, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23:

 

          Bộ Y tế quản lý thống nhất việc đào tạo CKI, giám sát tuyển sinh, quá trình đào tạo và đánh giá các khóa học.

          Các trường đại học căn cứ vào quy chế này có thể cụ thể hóa bằng một số quy định nhưng không được trái với quy chế này và phải được Bộ Y tế phê duyệt trước khi thực hiện.

 

Điều 24:

 

          Quy chế đào tạo CKI được thực hiện trong toàn quốc kể từ ngày quyết định ban hành có hiệu lực. Các quy chế, quy định trước đây trái với quy chế này đều bị bãi bỏ.

          Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc các đơn vị báo cáo bằng văn bản với Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.

 

                                                                      KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

                                                                             THỨ TRƯỞNG

                                                                                     (Đã ký)

 

                                                                          LÊ NGỌC TRỌNG




Phòng ĐTSĐH



Các ý kiến của bạn đọc